Điện Biên ở đâu?
Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới thuộc vùng Tây Bắc, cách thủ đô Hà Nội gần 500 km về phía Tây; phía Bắc giáp tỉnh Lai Châu, phía Đông và Đông bắc giáp tỉnh Sơn La, phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam – Trung Quốc; phía Tây và Tây Nam giáp với Lào.
Điện Biên là tỉnh giàu tiềm năng du lịch, đặc biệt là lĩnh vực văn hoá – lịch sử. Nổi bật nhất là hệ thống di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ gồm: Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ – Mường Phăng; các cứ điểm Him Lam, Bản Kéo, Độc Lập; Các đồi A1, C1, D1, E1 và khu trung tâm tập đoàn cứ điểm của Pháp (Khu hầm Đờ-cát).Quần thể di tích này là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển du lịch không những của tỉnh Điện Biên, của Tây Bắc mà còn của cả nước.
Các dân tộc phổ biến ở Điện Biên
Tỉnh Điện Biên có 19 dân tộc với tổng dân số trên 62,5 vạn người. Trong đó, dân tộc H'Mông chiếm 38,12%, dân tộc Thái chiếm 35,69%, dân tộc Kinh chiếm 17,38%, còn lại là các dân tộc thiểu số khác, như: Khơ Mú, Dao, Kháng, Lào, Hà Nhì...
Văn hóa các dân tộc ở Điện Biên có gì đặc sắc?
Dân tộc H’mông
Người Mông di cư đến Việt Nam vào khoảng cuối thế kỷ XIX, họ sinh sống tập trung chủ yếu ở khu vực các tỉnh miền núi cao.
Đồng bào dân tộc Mông ở Điện Biên cư trú ở hầu hết các huyện, nhưng tập trung nhiều nhất là ở Tủa Chùa, Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Chà, Tuần Giáo, Mường Nhé và Nậm Pồ. Đồng bào cư trú trên các triền núi cao, tạo thành các thôn bản, mỗi thôn, bản khoảng 30 đến 80 hộ gia đình, với có các dòng họ: Giàng, Thào, Sùng, Vàng, Vừ, Mùa, Hờ, Li, Lầu, Hạng, Chang, Cứ…. cùng chung sống.
Theo phong tục truyền thống, xét về tổ chức cộng đồng của người Mông, khi người Mông gặp nhau, câu hỏi đầu tiên là mang họ gì, nếu đã là người cùng mang tên họ giống nhau thì nam, nữ cấm tuyệt đối không được lấy nhau, họ đều coi là có chung tổ tiên, coi nhau như anh em ruột thịt cùng họ hàng, có thể sinh con hoặc chết ở nhà người cùng họ. Lúc nguy nan phải cưu mang giúp đỡ lẫn nhau. Từng dòng họ có thể cư trú quây quần thành một cụm, trưởng họ là người có uy tín, đảm nhiệm công việc trong dòng họ.
Tết
Theo phong tục truyền thống, trước tết khoảng 1 tuần các công việc được gác lại, người Mông sửa sang trang hoàng ngôi nhà, dọn dẹp bàn thờ. Các dụng cụ lao động sản xuất được dán một mảnh giấy đỏ - theo đồng bào màu đỏ tượng trưng no ấm sung túc. Tết đến gia đình nào cũng giã bánh giầy, nấu rượu và mổ lợn ăn Tết. Chiều 30 Tết, các gia đình thường cử người con trai đi lấy nước ở sông, suối hoặc bể về để làm cơm cúng tổ tiên (ma nhà) với một mâm cỗ thịnh soạn có thịt lợn, thịt gà, rượu, bánh giầy….
Cúng bàn thờ
Chuẩn bị đón năm mới, dọn dẹp bàn thờ, đổ tro cũ trong bát hương, xé giấy cũ trên bàn thờ, thay tro và giấy mới. Bắt một con gà trống non, cùng với 12 nén hương, 12 mảnh giấy con. Chủ hộ gia đình (là nam giới) thắp hương lên bàn thờ và sau khi khấn, cầm con gà trống đến dưới bàn cắt tiết và bôi ba giọt lên bàn thờ. Nhổ lông gà phía sau gáy dính vào tiết vừa bôi lên bàn thờ. Gia chủ tiếp tục khấn. Sau đó gà được nhúng vào nước sôi, vặt lông và đem luộc chín. Đồng bào Mông có tục xem chân gà, mắt gà, vỏ não rồi mang gà đã luộc thái để ăn
Trang phục của phụ nữ Mông
Nhóm người Mông ở Điện Biên được chia thành Mông Đỏ, Mông Đen, Mông Hoa, Mông Xanh và nhóm Mông Trắng vì vậy ngôn ngữ và phong tục tập quán củahọ cơ bản giống nhau. Chúng ta có thể phân biệt các nhóm dân tộc Mông dựa trên trang phục phụ nữ.
Ngày Tết, trang phục của người phụ nữ Mông đẹp rực rỡ. Áo xẻ ngực, cổ phía trước hình chữ V, được nẹp thêm vải màu hoa tuỳ thích, phía sau áo là một bức thêu hình chữ nhật được trang trí hoa văn rất đẹp, trang nhã và gắn đồng bạc, khi đi lại các đồng bạc chạm vào nhau tạo âm thanh vui hấp dẫn. Hai ống tay áo thêu hoa văn là những đường ngang với các màu sắc từ cổ tay đến nách. Từ trang trí này làm nổi bật chiếc áo của người Mông.
Phụ nữ Mông Đỏ mang trang phục váy màu chàm, có thêu hoa văn rực rõ ở thân và gấu váy. Họ mặc áo xẻ nách, trên vai và ngực có cạp thêm vải màu thêu hình hoa văn con ốc. Phụ nữ Mông Đen mang trang phục váy màu chàm có in hoa văn sáp ong. Họ cũng mặc áo xẻ giữa ngực, thêu hoa văn tối màu ở cánh tay. Phụ nữ Mông Hoa mang trang phục áo hoa xẻ ngực, cánh tay áo can vải màu, cổ áo và yếm lưng có thêu hoa văn. Họ mặc quần lụa đen giản dị. Phụ nữ Mông Trắng mang trang phục váy trắng, áo xẻ ngực, thêu hoa văn ở cánh tay và yếm lưng.
Văn hóa người dân tộc Thái Điện Biên có gì khác?
Trong cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Thái là dân tộc có lượng cư dân đông đúc và nền văn hóa mang nhiều sắc thái tiêu biểu, riêng có.
Người Thái đã tạo dựng cho mình những phong tục tập quán và bản sắc văn hóa riêng, cộng đồng người Thái ở Điện Biên gồm hai nhóm ngành là Thái Đen và Thái Trắng. Nét đặc sắc của văn hóa dân tộc Thái được biểu đạt trong sinh hoạt hàng ngày ở: Trang phục, nhà sàn, văn hóa văn nghệ, ẩm thực, lao động sản xuất và các nghi thức, lễ hội.
Trang phục:
Nổi bật trong trang phục của người Thái là bộ váy áo của phụ nữ:
- Phụ nữ Thái trắng mặc áo màu trắng và có cổ hình chữ V ở phía trước. Khăn đội đầu có màu trắng trơn hoặc chàm. Phụ nữ Thái trắng mặc váy quấn, đen trơn và có thắt lưng làm bằng cotton hoặc tơ tằm màu xanh hoặc màu tím nhạt. Túi đeo vai của người Thái trắng được làm bằng vải cotton trắng và pha lẫn những đường kẻ xọc màu tối hẹp.
- Người phụ nữ Thái Đen mặc áo ngắn (xửa cóm) màu tối (chàm hoặc đen), cổ áo thường là loại cổ tròn, đứng. Đặc biệt phụ nữ Thái đen đội khăn có trang trí công phu hơn gọi là khăn Piêu, đây là điểm khác biệt cơ bản để phân biệt hai nhóm dân tộc này.
Áo dài: thường được những người phụ nữ Thái mặc trong các dịp hội hè, đây là loại áo thụng, thân thẳng. Phụ nữ Thái trắng mặc áo dài có trang trí hoa văn với nhiều màu sắc, còn nhóm Thái đen lại dùng áo dài nhuộm chàm, không có hoa văn.
Trang phục của nam giới nói chung là đơn giản, gồm áo, quần, thắt lưng khăn, đội đầu, chủ yếu là màu chàm đen. Áo có kiểu áo ngắn và kiểu áo dài, Áo ngắn may bằng vải nhuộm chàm, xẻ ngực, cổ tròn, khuy áo tết nút vải, Áo dài được may từ vải chàm đen, kiểu xẻ tà, khuy cài lệnh bên sườn, thường được mặc trong các dịp lễ hội.
Nhà ở: Người Thái ở nhà sàn, với nhiều dáng vẻ khác nhau, có nhà mái khum hình mai rùa, có nhà mái phẳng, hiên và các gian hồi có lan can, có mở cửa sổ, tường nhà thưng bằng gỗ hoặc tre nứa, mái được lợp bằng tranh, cọ, ngày nay được lợp bằng ngói, tôn...., mặt sàn được chia thành hai phần: một phần dành làm nơi ngủ nghỉ của các thành viên, một nửa dành cho bếp và nơi tiếp khách.
Xòe Thái được coi là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào các dân tộc, được coi đó là sân chơi cho người dân giải trí sau những ngày lao động vất vả, đồng thời Nghệ thuật Xòe được coi là phương tiện giao tiếp để kết nối mọi người xích lại gần nhau. Nghệ thuật Xòe là nét đẹp văn hóa được nhân dân các dân tộc gửi gắm những tâm tư tình cảm và lấy làm hãnh diện, tự hào về văn hóa truyền thống mà cha ông đã gây dựng và trao truyền. Nghệ thuật Xòe Thái đã mang đậm tính dân tộc sâu sắc bởi đã khẳng định được bản sắc riêng có không lẫn với dân tộc nào đồng thời có tính lan tỏa rất lớn bởi đã trở thành sản phẩm nghệ thuật chung của toàn xã hội.
Tham khảo tour điện biên tại đây :
tour điện biên 2023
Comments