1. Phở chua – Đặc sản trứ danh
Nếu như phở Hà Nội khiến người ta mê mẩn với nước dùng nóng hổi, đậm đà thì phở chua Cao Bằng lại gây thương nhớ với những miếng vịt quay hay thịt ba chỉ rán thơm ngọt, vị chua dìu dịu của nước sốt và sự dẻo thơm của bánh phở.
Phở chua là một món ăn được chế biến khá cầu kỳ. Nguyên liệu chính là bánh phở, nhưng phải là bánh tráng xong để nguội, vừa dẻo vừa dai, không nát. Thịt lợn phải là thịt ba chỉ, sau khi tẩm ướp, rán giòn, có màu vàng sậm. Riêng vịt quay, phải chọn những con vịt béo tròn, cho các gia vị như lá hoặc quả mắc mật, hạt dổi... vào trong bụng rồi khâu lại, sau đó xoa mật ong lên lớp da, quay trên than hồng cho thật vàng.
Địa chỉ một số quán phở chua ngon nổi tiếng ở Cao Bằng: Quán Uyên Đốp – phường Hợp Giang, thành phố Cao Bằng; Phở chua Quyên – Lý Thường Kiệt, khối 3, thành phố Cao Bằng.
2. Các món bánh
Bánh cuốn Cao Bằng
Bánh cuốn tại đây có màu sắc không trắng tinh như bánh cuốn ở các nơi khác. Thay vào đó bánh cuốn Cao Bằng có màu trắng đục nhờ nhờ. Sở dĩ có màu này là do loại gạo làm nên món bánh này là gạo Đoàn Kết được trồng tại vùng núi cao tại Cao Bằng.
Loại gạo này chỉ khi trồng tại Cao Bằng mới có thể làm ra loại bánh cuốn vừa thơm vừa ngon này. Đặc biệt, món bánh này có lớp bánh được tráng rất mỏng. Phần nhân sẽ gồm thịt, mộc nhĩ cộng thêm chút hành khô thơm phức. Đảm bảo khi nhìn đĩa bánh cuốn Cao Bằng bạn sẽ cảm thấy bị hấp dẫn ngay lập tức bởi nó quá đỗi ngon và cuốn hút.
Một số địa chỉ uy tín để bạn thưởng thức món bánh cuốn Cao Bằng: Quán ăn cô Hải nằm trên trục đường Hoàng Đình Giong của TP Cao Bằng; bánh cuốn Cao Bằng Cường Bắc; Bánh cuốn ở Quán Bà Dung; Bánh cuốn Cao Bằng Huỳnh Thúc Kháng....
Bánh coóng phù
Ở Cao Bằng, coóng phù (bánh trôi) là món ăn vặt rất quen thuộc và nổi tiếng. Đặc biệt vào những ngày mùa đông, khi tiết trời lạnh giá thì món bánh này càng không thể thiếu.
Bánh coóng phù Cao Bằng nổi tiếng thơm ngon bởi được làm từ những nguyên liệu sẵn có của địa phương với cách chế biến khá đơn giản.
Để làm ra những viên coóng phù ngon, loại gạo được chọn thường là nếp hương hoặc nếp Pì Pết dẻo, thơm, trộn thêm một ít gạo tẻ. Phần nước chan vào bánh được nấu từ đường phên Phục Hòa bào nhỏ hòa với nước. Khi ăn, người ta rắc thêm một chút lạc rang hoặc vừng lên bát coóng phù trắng ngần để làm tăng vị thơm ngon của món ăn.
Bánh áp chao
Bánh áp chao có vẻ bề ngoài khá giống bánh rán nhưng phần nhân được làm từ thịt vịt chứ không phải thịt lợn băm, mộc nhĩ hay đỗ xanh như bánh rán bình thường. Phần vỏ bánh được làm từ nguyên liệu đơn giản bao gồm bột gạo nếp, bột gạo tẻ và nhân thịt vịt nhưng đó lại là một nét ẩm thực đặc trưng rất riêng của vùng Đông Bắc.
Bánh cóoc mò cốm
Trong tiếng Tày, “coóc mò” có nghĩa là “sừng bò” vì bánh có hình chóp nhọn, trông giống sừng bò.
Bánh làm bằng gạo nếp, gói bằng lá chuối hoặc lá dong, không nhân. Bánh coóc mò cốm cũng được làm tương tự như bánh coóc mò thường, nhưng chỉ khác công đoạn phải làm cốm xong mới gói lại. Do được làm từ cốm nên hương vị coóc mò cốm có hương thơm đậm đà, vị ngọt, bùi, dẻo, có thể ăn no mà không thấy ngán.
Người Tày, Nùng làm bánh coóc mò quanh năm và bánh được bày bán tại các chợ phiên. Nhưng bánh coóc mò cốm thì chỉ có trong khoảng thời gian cuối thu, đầu đông mới có. Muốn thưởng thức món bánh này du khách cũng có thể đến các phiên chợ vùng cao hoặc chợ trung tâm thành phố Cao Bằng.
Bánh trứng kiến
Loại bánh đặc biệt này được coi là đặc sản của người Tày ở vùng Cao Bằng. Nguyên liệu chính của bánh chính là trứng kiến và bột nếp nương. Vì phụ thuộc vào nguyên liệu đặc biệt này nên hàng năm chỉ có thể làm bánh từ đầu tháng 4 cho đến cuối tháng 5. Đây là thời gian sinh trưởng mạnh nhất của loài kiến đen rừng.
Trứng kiến non sau khi lấy về sẽ được rửa sạch nhẹ nhàng, tránh xối nước trực tiếp sẽ làm trứng bị vỡ và mất đi dinh dưỡng, sau đó để ráo nước. Phi thơm trứng kiến với hành khô và thịt lợn xay, ít lá kiệu thái nhỏ vào đảo cùng nêm nếm vừa miệng, đun hỗn hợp trên lửa nhỏ đến khi chín và dậy mùi thì tắt bếp. Bánh này sẽ được gói bằng lá vả non, khi ăn có thể ăn được cả lá gói bánh. Khi chín bánh trứng kiến sẽ dẻo mịn, thơm mùi gạo nếp nương lẫn hương lá vả. Tuy nhiên với những người có cơ địa dễ dị ứng, hãy lưu ý và cân nhắc trước khi thưởng thức món này nhé.
3 Nằm khau (Khâu nhục)
Nằm khâu được chế biến từ những nguyên liệu cơ bản và quen thuộc nhất là thịt ba chỉ ngon và khoai môn (hay còn gọi là khoai sọ). Nằm khâu mang hương vị đặc trưng của người dân tộc miền núi phía Bắc. Với hương vị thơm ngon, đậm đà từ thịt kết hợp cùng độ dẻo, bùi của khoai và vị ngọt thanh của đường đỏ. Tất cả hòa quyện đem lại một hương vị rất đặc trưng.
Điểm đặc biệt của món ăn là thịt ba chỉ được chiên giòn sau đó đem đi hấp cùng khoai và gia vị. Như vậy, thịt sẽ thấm đều và hòa quyện cùng khoai hấp chín. Khi ăn thịt sẽ rất mềm, thơm và đậm đà. Một miếng thịt kết hợp cùng một miếng khoai. Cả hai tạo nên món ăn đặc sắc mà bất kì du khách nào khi thử qua đều muốn được thưởng thức lại.
4 Vịt quay 7 vị
Vịt quay 7 vị là món ăn đặc sản trứ danh Cao Bằng, thấm đượm nét tinh hoa văn hóa ẩm thực của người dân miền cao. Để tạo nên món vịt quay 7 vị, khâu ướp vịt là công phu nhất. Người ta rót từ từ loại nước được làm từ 7 gia vị vào trong bụng vịt. Sau đó, người ta dùng một chiếc lạt tre khâu bụng vịt lại, giữ cho nước gia vị không bị chảy ra ngoài. Hương vị mắm, muối hòa cùng thứ nước 7 vị tạo nên một thứ hương vị ngon khó cưỡng. 7 gia vị này là bí mật gia truyền chỉ có người dân tộc Tày sống ở phía đông tỉnh Cao Bằng mới có thể biết được.
Sau đó, vịt được thổi phồng và nhúng tiếp thêm một lần nước sôi nữa. Cuối cùng trong khâu chế biến, vịt được rưới đều một lớp mật ong kèm giấm khắp lớp da ngoài. Giấm khiến cho thịt vịt trở nên mềm hơn, còn mật ong lại khiến cho lớp da có vị ngọt tự nhiên cùng màu sắc bắt mắt.
5 Lợn sữa quay
Đã nhắc tới vịt quay thì không thể bỏ qua món lợn sữa quay. Ở Cao Bằng thường chọn loại lợn địa phương từ 4 đến 6kg để quay. Sau khi sơ chế xong dùng giấy bản thấm khô mình con lợn, (nếu rửa bằng nước thịt sẽ nhão, không săn, mất hết vị thơm ngon).
Sau đó nhồi lá mác mật cùng các gia vị khác vào bụng con lợn rồi khâu lại, dùng cây tre xuyên từ mõm tới đuôi rồi quay trên bếp than hồng, vừa quay vừa dùng mật ong và các gia vị khác phết lên mình con lợn để cho giòn bì và khỏi nứt. Thịt quay ngon là thịt vừa chín tới, bì vàng rộm, giòn tan, mùi thơm quyến rũ. Nước dùng chấm thịt lợn quay được pha chế theo một công thức rất riêng biệt.
6. Trám Cao Bằng
Hàng năm, cứ độ cuối thu, khi tiết trời bắt đầu hơi sương, đến với Cao Bằng, du khách sẽ được thưởng thức rất nhiều món ăn dân dã từ trám như: xôi trám, trám om cá, om tép, trám rang thịt...
Trám đen Cao Bằng có hương vị thơm ngon đặc trưng của vùng núi cao. Mùa trám đen ở đây vào khoảng tháng 9, tháng 10. Quả trám đen khi thu hoạch thường nhỉnh hơn ngón tay cái, vỏ bóng mịn, hai đầu thon nhọn, quả đều nhau. Trám đen có hai loại: trám nếp và trám tẻ. Trám tẻ thịt chắc và giòn; còn trám nếp thì ngọt bùi, thịt mềm và nạc, thường được dùng để om thịt hay nấu xôi.
7. Cá chiên sông Gâm – Đặc sản tiến vua
Cá chiên sông Gâm có vẻ bề ngoài rất kì dị và không mấy thiện cảm. Da của cá chiên rất dày, màu da không đều mà loang lổ thành từng mảng vàng, đen xen kẽ. Hàm răng của cá rất sắc nhọn có thể gây thương tích cho con người. Phần đầu của cá chiên khá to, bè ra và có râu rất giống với cá trê. Tuy nhiên phần thân cá lại bóng nhẵn và có độ trơn.
Những món ngon được chế biến từ cá chiên sông Gâm: Lẩu cá chiên – món ăn ngon cho những ngày đông lạnh; Gỏi cá chiên- món ăn thanh tao cho ngày hè
Nếu như có cơ hội đến thăm vùng đất Cao Bằng thì hãy thưởng thức món cá chiên sông Gâm ở nơi đây nhé! Chắc chắn bạn sẽ có một trải nghiệm không thể nào quên với loài cá đặc biệt này.
8. Rau dạ hiến
Rau dạ hiến hay còn có tên gọi khác quen thuộc hơn là rau bò khai. Đây là một loại cây thân dây rất mảnh, mềm, dễ gãy giống các cây leo. Rau được trồng nhiều tại Bắc Cạn, Lạng Sơn, Cao Bằng. Người dân tộc gọi là rau bò khai chính vì rau có mùi giống như mùi bia. Có lẽ thời xa xưa chưa có bia như ngày nay, nhiều người cảm thấy rau có mùi giống nước đái bò nên mới đặt tên là bò khai.
Với điều kiện khí hậu mát mẻ quanh năm, vùng đất núi Cao Bằng phù hợp cho rau phát triển. Chính vì vậy rau dạ hiến nơi đây luôn xanh non, mơn mởn. Rau ở đây có hương vị thơm ngon, đặc trưng riêng mà không nơi nào có. Nếu mang giống rau này về trồng tại đồng bằng thì rau sẽ có hương vị khác, bởi loại rau này là rau dại mọc tự nhiên.
9. Đặc sản Cao Bằng làm quà
Nếu bạn chưa biết đến Cao Bằng du lịch thì nên mua đặc sản nào về làm quà, thì sau đây là một vài gợi ý dành cho bạn
Miến dong Phia Đén
Bò gác bếp
Hạt dẻ Trùng Khánh
Cốm Trùng Khánh
Bánh khảo Thông Huề
Tương Mẹc Cảng
Quýt Trà Lĩnh
Nếp Pì Pất
Thạch đen
Lạp xưởng hun khói
Mận Bảo Lạc
Lê Đông Khê
Mảnh đất Cao Bằng ở Đông Bắc với khí hậu trong lành, mát mẻ đã tạo điều kiện để những loài động, thực vật được phát triển và mang hương vị đặc biệt riêng. Cùng với sự khéo léo, tỉ mỉ và sáng tạo của người dân nơi đây đã chế biến những nguyên liệu đặc trưng tạo ra những món ăn đặc sản Cao Bằng nổi tiếng khắp nơi. Nếu có cơ hội, bạn hãy cùng chúng tôi đến thăm Cao Bằng ngay nhé!
Tham khảo tour Cao Bằng
tại đây
Comments